Những Nguyên Nhân Gây Bệnh Khác - Thiên Long Đường
Những nguyên nhân gây bệnh khách gồm: 1. Đàm ẩm là sản phẩm bệnh lý: Đàm là chất đặc, ẩm là chất loãng, đàm ẩm sau khi sinh ra gây các chứng bệnh mới, đặc biệt phạm vi gây bệnh của đàm rất rộng (không phải chỉ có ho khạc ra đờm), 2. Ứ huyết là sự vận hành khí huyết không thông, sung huyết ở cục bộ, hay chảy máu ở cục bộ, 3. Ăn uống, 4. Tình dục, sang chấn, trùng thú cắn….
Những Nguyên Nhân Gây Bệnh Khác
1. Đàm ẩm.
- Đàm ẩm là sản phẩm bệnh lý: Đàm là chất đặc, ẩm là chất loãng, đàm ẩm sau khi sinh ra gây các chứng bệnh mới, đặc biệt phạm vi gây bệnh của đàm rất rộng (không phải chỉ có ho khạc ra đờm).
- Nguồn gốc: Đàm là ẩm do tân dịch ngưng tụ biến hoá thành. Do lục dâm, thất tình làm cơ năng của ba tạng tỳ, phế, thận bị ảnh hưởng, tân dịch không phân bố và vận hành được ngưng tụ thành thấp, thấp hoá thành đàm ẩm.
- Đàm ẩm sau khi hình thành: Theo khí đi các nơi ở ngoài đến cân xương trong đến phủ tạng, không đâu không đến, làm ảnh hưởng đến sự vận hành khí huyết, sự thăng giáng của khí mà gây các chứng ở các bộ phận cơ thể.
- Triệu chứng của đàm ẩm ở các bộ phận cơ thể như sau.
A) Đàm.
- Phế: hen suyễn, khạc ra đờm.
- Tâm: Tâm quý, điên cuồng.
- Vị: Lợm giọng, nôn mửa.
- Ngực: Tức ngực mà suyễn.
- Kinh thiếu dương: Gây sốt rét.
B) Ẩm.
- Tràn ra cơ nhục.
- Ra ngực sườn: Gây ho, hen suyễn.
- Ở tiêu hoá: Gây sôi bụng, miệng khô, bụng đầy, ăn kém.
- Những chứng bệnh hay gây ra đàm ẩm.
A) Đàm.
- Phong đàm: Chứng trúng phong đàm: Hoa mắt, chóng mặt; đột nhiên ngã, khò khè, miệng méo, mắt lệch, lưỡi cứng không nói, hoặc chứng đột nhiên ngã, hôn mê, sùi bọt mép (động kinh).
- Nhiệt đàm: Phiền nhiệt, táo bón, đầu mặt nóng, đau họng, điên cuồng.
- Hàn đàm: Đau xương dữ dội, tay chân không cử động, ho ra đờm lỏng, mạch trầm trì.
- Thấp đàm: Người nặng nề, yếu, mệt mỏi.
- Loa dịch: Lao hạch thường ở gáy, nách, bẹn, thành khối, hạch không nóng không đau, ra chất bã đậu, khi vỡ loét khó liền miệng.
B) Ẩm.
- Đau mạng sườn, ho khó thở, đau liên sườn hay gặp ở bệnh màng phổi có nước, Y Học Cổ Truyền gọi là huyền ẩm.
- Đau người và nặng nề, tay chân phù, hen suyễn, không có mồ hôi, sợ lạnh (Y Học Cổ Truyền gọi là yên ẩm, yêm: tràn).
- Hen suyễn không nằm được, mặt phù.
2. Ứ huyết.
Ứ huyết là sự vận hành khí huyết không thông, sung huyết ở cục bộ, hay chảy máu ở cục bộ.
Nguyên nhân do khí hư, khí trệ khiến cho huyết ngưng trệ, hoặc chảy máu ở trong cơ thể.
Những triệu chứng biểu hiện ứ huyết:
- Đau, thường là do sung huyết gây chèn ép, tính chất đau cố định một chỗ, gây cự án.
- Sưng, thành khối, hay gặp ở các bệnh ngoại khoa (gẫy xương, ngã….) hoặc ứ huyết ở các phủ tạng.
- Chảy máu do thoát quản hay gặp đại tiện, tiểu tiện ra máu, chảy máu do rong huyết, rong kinh….
- Ngoài ra còn tìm các triệu chứng chảy máu dưới da, chất lưỡi tím hoặc có điểm ứ huyết, mạch tế sáp.
3. Ăn uống.
Số lượng và chất lượng thức ăn thiếu, ăn quá nhiều (bội thực); thức ăn không sạch (nhiễm trùng); đặc biệt có tính chất của đồ ăn gây ra bệnh: ăn đồ béo ngọt gây ra thấp, đàm, nhiệt, đồ lạnh gây tỳ vị hư hàn, đồ cay gây táo bón, trĩ hoặc thích ăn chua, đắng, mặn, ngọt, cay cũng ảnh hưởng đến việc sinh bệnh.
4. Tình dục, sang chấn, trùng thú cắn….
Xem thêm